Lượt xem: 1472

Phát huy hiệu quả mô hình trồng hành tím hữu cơ

Hành tím là một trong số các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao đối với sản xuất nông nghiệp tại thị xã Vĩnh Châu nói riêng và toàn tỉnh Sóc Trăng nói chung. Để nâng cao chất lượng củ hành, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã không ngừng duy trì và nhân rộng mô hình trồng hành hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ. Thời điểm này, gần 1.700 ha vụ hành sớm đang bước vào đợt thu hoạch, và củ hành tím hữu cơ tiếp tục khẳng định được hiệu quả vượt trội về năng suất và chất lượng so với hành tím được canh tác theo phương thức truyền thống. 

 


Ngành chức năng tham quan mô hình trồng hành tím hữu cơ

 

    Mặc dù vẫn duy trì diện tích 1,8 công như 2 năm nay, tuy nhiên, khác biệt lớn nhất tại rẫy hành của ông Ong Phến ở ấp Âu Thọ A, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu là năng suất năm sau luôn cao hơn năm trước. Vụ hành tím sớm năm nay trải qua nhiều đợt mưa dầm, nhưng rẫy hành tím hữu cơ của gia đình ông vẫn cứng cây và phát triển tốt so với những rẫy hành lân cận, năng suất đạt cao hơn  đến 20% nhờ sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ, vi sinh. Một khi người trồng hành đã có sự am hiểu về quy trình canh tác hữu cơ và áp dụng một cách bài bản hơn so với thời gian đầu tiếp cận, thì kết quả có được hôm nay cũng là điều dễ hiểu. Ông Ong Phến chia sẻ: “Tôi trồng hành hữu cơ năm nay nữa là được 2 năm rồi. Năm ngoái do chưa biết cách xài phân, xài thuốc nên không được bằng năm nay. Năm nay năng suất cao hơn mọi người trồng ở ngoài mô hình. Ở ngoài trồng bị hư nhiều do ảnh hưởng thời tiết. Còn trồng hữu cơ đạt gần 3 tấn/công”.

    Toàn thị xã Vĩnh Châu hiện có khoảng 6.500 ha trồng hành tím, riêng vụ hành tím sớm hàng năm luôn duy trì khoảng 1.700 ha. Khác với những lo ngại ban đầu về việc bị “đánh đồng” giá bán so với hành tím được trồng theo phương thức truyền thống, khi củ hành tím hữu cơ đã khẳng định được sự chênh lệch rõ rệt về năng suất, giá bán và chất lượng, nông dân vùng trồng hành cũng mạnh dạn hơn trong việc nhân rộng quy trình canh tác hữu cơ để cải thiện lợi nhuận. Đồng thời, chủ động phối hợp cùng các công ty, doanh nghiệp để chuyển giao thêm về kỹ thuật canh tác.

    Củ hành tím hữu cơ có thể bảo quản được tối đa 6 tháng, cao hơn 2 tháng so với hành được trồng truyền thống, màu sắc và chất lượng vẫn không có sự thay đổi nên được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, giá bán vì thế cũng cao hơn. Nếu như thời điểm này, giá hành tím trên thị trường dao động từ 22.000 – 25.000 đồng/kg, thì củ hành tím hữu cơ có giá cao hơn gần 10.000 đồng/kg. Điều quan trọng là phần lớn diện tích đã được doanh nghiệp bao tiêu từ trước khi thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc kinh doanh khu vực Tây Nam bộ, Tập đoàn Quế Lâm - một trong những doanh nghiệp gắn kết tiêu thụ hành tím hữu cơ tại Vĩnh Châu cho biết: “Sau hơn 2 năm, khi bà con thực hiện mô hình trồng hành tím hữu cơ kết hợp sử dụng phân bón vi sinh cũng như áp dụng đồng bộ gói kỹ thuật canh tác của Tập đoàn Quế Lâm thì chất lượng đất đã được cải thiện rất nhiều. Từ vùng đất cát ven biển đến nay đất đã phì nhiêu, tơi xốp hơn, độ pH trong đất cũng tăng lên mức 6%, đây là độ pH lý tưởng cho cây trồng, đặc biệt là cây hành. Với việc tuân thủ đúng quy trình canh tác như thế này, chúng tôi chắc chắn sẽ hợp đồng bao tiêu cho bà con trồng hành tím với số lượng lớn hơn”.

    Từ vài chục ha được trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay, diện tích trồng hành tím hữu cơ tại thị xã Vĩnh Châu đã phát triển lên đến 1.000 ha. Mặc dù còn khá khiêm tốn so với diện tích hiện có, nhưng con số này là quá trình nỗ lực rất lớn của ngành chuyên môn, địa phương và doanh nghiệp trong việc thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Khi nông sản luôn bị động bởi sự “may rủi” của những biến động về giá, về nhu cầu tiêu dùng thị trường theo từng thời điểm thì tăng khả năng cạnh tranh bằng việc cải thiện chất lượng sản phẩm theo quy trình canh tác sạch, an toàn là vấn đề tiên quyết mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng đến. Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Hướng tới chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con nông dân nhân rộng mô hình trồng hành theo hướng hữu cơ, đặc biệt là kết hợp cùng nhiều công ty, doanh nghiệp triển khai nhân rộng ra nhiều hợp tác xã, nhiều địa bàn hơn để tất cả bà con đều am hiểu rõ về quy trình canh tác này. Song song đó, chúng tôi sẽ chủ động tìm doanh nghiệp để liên kết tiêu thụ và liên kết ngay từ đầu vụ với giá cả ổn định cho bà con nông dân, đây là vấn đề mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang xúc tiến và đẩy mạnh hơn trong thời gian tới để hạn chế lặp lại câu chuyện giải cứu hành tím như hai năm qua”.

    Mặc dù đạt chứng nhận OCOP 3 sao và được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhưng củ hành tím Vĩnh Châu vẫn chưa có được sự ổn định về giá. Giờ đây, khi được doanh nghiệp trực tiếp đồng hành cùng bà con nông dân thực hiện quy trình canh tác hữu cơ sẽ là một giải pháp hữu hiệu để tìm lại “giá trị thực” cho cây trồng đặc trưng trên đồng đất Vĩnh Châu. Quy trình này không chỉ giúp khôi phục lại chất lượng củ hành tím mà còn từng bước xây dựng thương hiệu và mở ra cơ hội cho củ hành tím Vĩnh Châu gia nhập thị trường quốc tế để nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 40
  • Hôm nay: 8296
  • Trong tuần: 79,003
  • Tất cả: 11,802,323